VỀ THÔI EM

Em ra không mai anh về đất Quảng,

Trời miền Nam giáp tết quá nôn nao.

Thèm chi mô một chén rượu Hồng Đào,

Dẫu chưa uống chỉ say từ câu hát.

 

Em ở biển ngọn khoai trườn nỗng cát,

Anh trên nguồn đá chẹn củ mì eo.

Cả đời cha cày bới lượm đói nghèo,

Vẫn khen đất mình chưa mưa đà thấm.

 

Biển dưới em con cá chuồn ngon lắm!

Trên nguồn anh trái mít phải lòng theo.

Cả một đời quảy gánh gieo neo

Nuôi con lớn mẹ lên nguồn xuống biển.

 

Đất dễ thấm dễ mềm lòng quyến luyến

Người đi xa nhớ muối mặn gừng cay,

Đờn Miếu Bông ai chọn phím so dây

Để ta khóc theo chuyến tàu hối hả!

 

Về thôi em, bận lòng chi xứ lạ,

Sông Thu ta dù bên lỡ bên bồi,

Dù mỗi năm mỗi nước lụt cuốn trôi

Cây măng sậy vẫn bám bờ xanh mãi…

 

Chắc vườn xưa chừ ửng vàng hoa cải

Cha mẹ trông ta mòn Hòn Kẽm Đá Dừng…

                                                               Dương Quang Anh.

Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

18 Responses to VỀ THÔI EM

  1. “Về thôi em” của Dương Quang Anh là một bài thơ thể hiện nỗi nhớ quê hương Quảng Nam da diết của những người con xa quê trong những ngày tết đến, xuân về. Bài thơ đã được chọn đưa vào giảng dạy trong chương trình Văn học địa phương cấp THCS.
    Bài hát “Về Thôi Em” được phổ nhạc và trình bày bởi Nhạc sỹ: Phương Tài.

  2. Le Phuong nói:

    Đây là bài thơ con thích nhất trong số các bài thơ trên blog của bác. Con biết đến thơ bác cũng qua bài thơ này gần 1 năm trước. Con bất ngờ lắm luôn vì không nghĩ “hàng xóm” nhà mình lại là nhà thơ tầm cỡ đến thế này, lân la hoài cho đến lúc tìm cho bằng được trang blog này của bác. Chúc bác nhiều sức khỏe để tụi con được tiếp tục thưởng thức những “bận lòng xứ lạ” của bác 🙂

  3. Cảm ơn con vào blog của bác. Nhà thơ giống như con chim ngứa cổ hát chơi giữa rừng sẽ có người lắng nghe để tìm một chút thư giản. Nhưng rủi gặp chú thợ săn thì oh hô ai tai đời mình đó con ạ.
    Nghe B nói con đang làm bên báo chí, cố gắng lên con nhé!

    • Le Phuong nói:

      Dạ con cảm ơn bác. Mà bởi học báo chí nên giờ có ép uổng thế nào thơ của con cũng không chịu chui ra. May mà còn có blog của bác, lâu lâu “vào rừng” nghe “hát chơi” để được sẻ chia, đồng điệu…

  4. Ha ha, vừa đọc thơ lại vừa nghe giọng Phương Tài hát cũng thú hơn chỉ nghe hát chay!
    Anh Phương Tài có về trường Ái vài bận, bạn nào anh cũng hát bài này đó anh Dương Quang Anh ạ!
    Anh vui nhé!
    Ái

  5. letrunghieu nói:

    Em không cho mai anh về đất Quảng
    Trời miền nam đón tết sướng như tiên
    Thèm làm chi mấy chén rượu hồng đào
    Dẫu có uống chắc gì hơn rượu ngoại…
    Về chi Anh, ở đây vui cho thỏa
    Sông Thu kia lở mãi chẳng thấy bồi
    Anh muốn về?hãy cứ về đi
    Ôm bụi sậy mà sống nhờ cứu trợ…
    Cáo lỗi cùng nhà thơ nhé.!
    Trung Hiếu.

    • Mắc chi phải cầu kỳ bia bọt
      Dẫu rượu tây đến thế cũng là cùng
      Rượu gạo quê nhà có uống năm mười chung
      Cũng đuếch sợ pha cồn pha thuốc
      Mắc chi ta rượu quê nhà không chuốc
      Nâng ly lên rồi mới hiểu lòng nhau…
      Nếm cay đắng mới thấy được niềm đau
      Đừng cà rỡn với Quê mà thêm tội.

  6. Trương Thị Thiên Ân nói:

    Hồi cháu học cấp II, mới 10 tuổi nên chưa được học bài thơ này. Thời gian trôi nhanh thiệt, bây giờ đã đứng trên bục giảng gần 5 năm, về dự giờ thăm 1 lớp tiết học Văn nên được cúng các em học bài thơ này. Điều cháu thích nhất ở đây là từ ngữ rất chi là mộc mạc và mang đậm chất Quảng Nam. Cảm ơn bác Dương Quang Anh.!

  7. Thiên Vân nói:

    Gửi đến bác lời cảm ơn sâu sắc bởi những ngôn từ giản dị, mộc mạc, đậm chất Quảng Nam đã đưa cháu về với tuổi thơ quê nhà. Cháu biết bài thơ này cũng đã lâu nhưng hôm nay mới vào blog của Bác được. Mong bác luôn mạnh khỏe để tiếp tục có những cú hát chơi như thế cho độc giả thưởng thức.

  8. htm nói:

    Về Chi Anh
    Em không ra,về chi nơi xứ quảng
    Trời miền nam đón tết sướng như tiên
    Thèm làm chi mấy chén rượu hồng đào
    Dẫu có uống chắc gì hơn rượu ngoại?

    Em dưới biển ngọn khoai trườn nổng cát
    Anh trên nguồn được mấy củ mì eo?
    Đời cha anh hì hục cũng ” đéo ngoài”
    Nhờ có em mà đời anh sung sướng…

    Biển dưới em tôm cá đầy no đủ
    Trên nguồn anh trái mít quá nhọc công
    Lận đận một thời giờ bắt em theo
    Nuôi anh béo để chừ nghe lẽo nhẽo?

    Đất dễ thấm, chính là nơi cằn cỏi
    Đã ra đi thì trở lại làm gì?
    Đờn miếu bông cho dẫu nó lắm dây
    Em cũng bứt – nghe chi đời khổ nhọc.

    Về chi anh,ở đây vui cho thỏa
    Sông Thu kia lở mãi chẳng thấy bồi?
    Anh muốn về thì hãy cứ về đi
    Ôm bụi Sậy,sống nhờ vào cứu trợ

    Chừ vườn xưa dẫu có vàng hoa cải
    Năng nỉ anh-em mòn cả răng rồi…

  9. Vô tình thấy được bài thơ của Chú.
    Bài thơ với những ngữ từ mộc mạc chân quê nhưng được trải lòng của những người con xứ Quảng, dù nơi đâu trên mọi miền đất nước hay bên trời tây vẫn rung động một xúc cảm lạ lùng.
    Xin chú cho phép đăng bài thơ trên trang quangda.de nhân dịp xuân về chú nhé.
    Chúc chú vạn sự an lành.

  10. Minh Thương nói:

    Bây giờ cháu mới thấy bài thơ này của Bác. cháu cứ nghĩ NS Phương Tài viết lời. Phương Tài hát dở tệ, ê a quá!giai điệu thì theo phong cách nhạc vàng. Bác nên gửi bài này cho một nhạc sỹ khác phổ nhạc thử xem. chị Thu Hương của đoàn dân ca Quảng nam hát bài này hay lắm vì cái chất giọng chị ấy ngọt. Nhưng cháu mong hơn thế nữa, nhất là ở giai điệu.
    Minh Thương

  11. Nguyễn Tấn Ái nói:

    Gửi anh Dương Quang Anh bài bình có chất lượng của Học trò, mỗi tuần sẽ đăng tải một bài anh nhé, Ái chọn được 4 bài trong số các bài viết của các em. Nhờ anh mở ra chuyên mục Lời bình trên blog nhé!
    Ái
    Về thôi em- Tiếng lòng người xa xứ

    Bài thơ “Về thôi em” của Dương Quang Anh là tiếng lòng của người con xứ Quảng xa quê.
    Bài thơ mở đầu bằng câu hỏi: “Em ra không mai anh về đất Quảng”. Nghe như là lời rủ rê hơn là việc thông báo. Nó làm ta nhớ đến câu: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ / Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên” của Hàn Mặc Tử. Dường như nỗi nhớ quay quắt đã khiến con người ta tìm đến một cái cớ nào đó để trở về với quê hương, dù là trở về trong tiềm thức. Ngay sau không khí nhộn nhịp xô bồ thời điểm giáp tết nơi miền đất lạ, hơi thơ trải rộng, mênh mang:
    “Thèm chi mô một chén rượu Hồng Đào
    Dẫu chưa uống chỉ say từ câu hát”
    Rượu Hồng Đào là loại rượu đặc trưng của Quảng Nam. Đã là con đất Quảng thì không thể không biết đến câu: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm / Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say”. Thú thật, tôi chưa nhìn thấy thức rượu ấy bao giờ. Nhưng nghe đời này sang đời khác ngâm nga mãi một câu đó, riết rồi tôi tưởng thứ rượu ấy ngấm vào da thịt mình tự lúc nào không hay. “Thèm chi mô” đây đâu phải chỉ là thèm nâng cạn một chén rượu quê nhà mà còn là nỗi khát thèm được nghe ai ca tiếng quê hương ngọt ngào ân tình vọng lại từ thuở nào xa xôi lắm. Men rượu say cứ thế lan toả, ý thức nhường chỗ hoàn toàn cho tiềm thức, dòng cảm xúc cứ thế tuôn trào. Ta thấy ngọn khoai, củ mì, cá chuồn, trái mít quen thuộc. Đó chưa hẳn là những đặc trưng của riêng vùng đất Quảng Nam nhưng nó luôn được định vị trong tâm trí nhà thơ như là biểu tượng sống động nhất của quê hưong, nơi còn bao nỗi nhọc nhằn, vất vả. Dưới cái nắng cháy da làm cát nóng bỏng rát, ngọn khoai vẫn cố vươn mình. Ta thương chữ “trườn” lam lũ như dân ta bình thản bước qua bao mùa mưa nắng. Ta thương dáng hình méo mó của củ khoai củ sắn giữa sỏi đá trên nguồn. Ta nhớ cá chuồn, trái mít chuyền tay nhau, gợi không khí trao đổi mua bán nhộn nhịp giữa hai miền nguồn, bể, gợi cả một đời sống sinh hoạt, lao động nồng ấm nghĩa tình. Ta nhớ một thời ta thuộc nằm lòng câu: “Ai về nhắn với bậu nguồn / Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”. Ta nhớ “em”. Và ta nhớ ta, một thời đã từng “phải lòng” ai đó…. Rồi ta nhớ cha nhớ mẹ ta, hai bậc sinh thành suốt đời sống trong nghèo đói, khó nhọc:
    “Cả đời cha cày bới lượm đói nghèo
    Vẫn khen đất mình chưa mưa đà thấm”
    “Lận đận một đời quảy gánh gieo neo
    Nuôi con lớn mẹ lên nguồn xuống biển”
    Ta nhớ và thương mẹ cha ta ngày xưa lam lũ, vật lộn với đói nghèo trên mảnh đất quê hương cằn cỗi, vẫn truyền cho con cháu niềm tự hào về mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nặng ân tình và chịu thương, chịu khó. Để rồi sau đó, bao nỗi nhớ thương xô đẩy nhau, ùa về bật lên thành tiếng:
    “Đất dễ thấm dễ mềm lòng quyến luyến
    Người đi xa nhớ muối mặn gừng cay”
    Ta có thấy chút xót xa trong câu thơ mượn thành ngữ “muối mặn gừng cay”: “Tay bưng chén muối đĩa gừng / Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”. Nỗi bất an tự dưng len lỏi vào trong nỗi nhớ. Và đúng là như vậy
    “Đờn Miếu Bông ai chọn phím so dây
    Để ta khóc theo chuyến tàu hối hả”
    Một dự cảm xa cách đã bất chợt hiện lên. Chuyến tàu không bình thản lăn bánh mà “hối hả”, thúc giục, khẩn trương, khiến ta bỗng dưng không lí do mà uất ức, mà bật khóc, mà oán trách. Rồi ta xa mảnh đất quê hương. Rồi ý thức kéo ta giật mình trở về thực tại. Ta đang đau đáu một nỗi niềm thương nhớ cố hương. Rồi ta nói với em, hay là ta đang nói với chính lòng mình:
    “Về thôi em, bận lòng chi xứ lạ
    Sông Thu ta dẫu bên lở bên bồi
    Dẫu mỗi năm mỗi nước lụt cuốn trôi
    Cây măng sậy vẫn bám bờ xanh mãi”
    Ý thức trở về nhưng nỗi nhớ không buông tha, sống dậy trong ta giữa thực tại vẫn là một miền quê nhiều nỗi đau thiên tai và sắt son chung thuỷ, bám bờ bám luỹ. Lời rủ rê đã trở thành sự thôi thúc trở về đến mãnh liệt. Để rồi trong lòng kẻ li hương mường tượng ra bóng dáng của quê hương, nơi mẹ cha ta vẫn đang tựa cửa ngóng chờ
    “Chắc vườn xưa chừ ửng vàng hoa cải
    Cha mẹ trông ta mòn Hòn Kẽm Đá Dừng”
    Tôi đã hơi hẫng hụt khi đến câu “Chắc vườn xưa chừ ửng vàng hoa cải”, cũng không biết tại sao. Có lẽ là tôi muốn sống trong miền tâm tưởng lâu hơn một chút, cảm nhận trọn vẹn hơn một chút. Đáng tiếc thay, từ “Chắc” đã khiến mạch cảm xúc hơi bị chững lại. Cũng hơi tiếc nhưng tôi cho điều đó cũng không có gì là lạ. Khi mà trọn vẹn quá đôi khi nó lại mất đi cái thi vị và điểm trống vốn có của tình thơ. Thế nên tốt nhất là để quê hương trong tiềm thức cứ mãi như thế, trong sáng và đầy nghĩa tình như thế. Khi tôi chưa kịp đuổi theo dòng logic của thơ khi quay về thực tại, nhà thơ đã hạ một câu kết để lại dư âm không sao quên được: “Cha mẹ trông ta mòn Hòn Kẽm Đá Dừng”. Nỗi nhớ vốn trừu tượng đã được cụ thể hoá bằng hình ảnh lấy từ câu ca dao: “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng / Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi”. Ánh mắt ngóng trông mòn mỏi, dai dẳng của cha mẹ có cảm tưởng như làm phai mòn dần đi Hòn Kẽm Đá Dừng, hình ảnh biểu tượng ám ảnh vô cùng tâm trí của những đứa con xa quê.
    Có thể nói, “Về thôi em” của Dương Quang Anh đã thể hiện được cái hồn của xứ Quảng và nói hộ tấm lòng của những kẻ li hương vẫn thường đau đáu hướng về quê nhà giữa nơi xứ lạ. Phải có một tình yêu sâu đậm với quê hương thì mới có thể tạo nên những vần thơ mang đậm hơi thở ca dao dân ca xứ Quảng như thế. “Về thôi em” sẽ mãi được nhắc đến như một niềm tự hào của đứa con vùng đất Quảng Nam.

    Đỗ Nguyễn Tường Linh
    Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tam Kì, Quảng Nam

  12. Nguyễn Tấn Ái nói:

    “VỀ THÔI EM”- KHÚC TÌNH QUÊ ẤM NỒNG
    ***
    Những cơn mưa chiều nay về nhanh quá, làm ướt cả tóc ai vội vàng dưới mưa, ướt cả một lối mưa về… Có ai đó bảo rằng mưa làm cho con người ta mơ, người ta nhớ và suy tư nhiều hơn. Không biết ai đó thì sao nhưng với tôi như một thói quen những cơn mưa về cũng là lúc tôi lục lọi trong miền kí ức tươi nguyên của mình để tìm về những kĩ niệm đã vãn, để nhớ, để thương một khoảng trời xa xôi. Chợt nhớ về người thầy năm xưa đã dạy cho tôi cách yêu môn văn, cách yêu với quê hương, với đời và nhớ về một ngày mưa năm nào thầy đọc cho tôi nghe bài thơ : “ Về thôi em” của nhà thơ Dương Quang Anh.
    Thầy bảo với tôi rằng thầy say chất men tình ngất ngây mà rất đỗi thân thương sau từng câu ca. Lúc ấy có lẽ những ý nghĩ non nớt của tôi chưa hiểu đủ hết lời thầy nói nhưng đến tận bây giờ tôi đã phần nào hiểu được và càng trân trọng biết mấy “ Về thôi em”- một bản nhạc tình viết về nơi mà tôi sinh ra và lớn lên – Quảng Nam. Dường như cái tình, cái nhớ trong bài thơ không còn là của riêng Quang Anh nữa mà còn là của tôi, của bao người dân xứ Quảng dẫu xa quê hay không xa quê. Thương lắm những câu thơ :
    “ Em ra không, mai anh về đất quảng
    Trời miền nam giáp tết quá nôn nao
    Thèm chi mô một chén rượu hồng đào
    Dẫu chưa uống- chỉ say từ câu hát”
    Những ngày giáp tết thường gợi cho cõi lòng ta cái khát thèm được đoàn tụ với gia đình với quê hương và nó càng ý nghĩa hơn đối với đứa con xa xứ. Cái nôn nao của cảnh vật hay cũng chính là cái nôn nao của lòng người. Mong quá háo hức qua cái giây phút trở về quê nhà. Không biết tự bao giờ câu thơ “thèm chi mô một chén rượu hồng đào” đã trở thành câu nói quen thuộc của lũ học trò chúng tôi. Bởi vì sao ư? Bởi nó là giọng quê, là chất quê của người Quảng tôi đấy thôi. Dẫu mộc mạc mà sâu nậng ân tình. Nhắc đến xứ Quảng trong cái hình dung của đứa con xa quê không có gì đặc trưng và thân thương bằng chén rượu hồng đào quê nhà. Tình quê, nghĩa quê không cần đến những thứ cao sang để gợi mà chỉ cần một chút hương rượu cũng đủ làm quyến luyến lòng người. Chợt nhớ về câu chuyện “ Hai đứa trẻ” của Thạch Lam… Trên đền đất của phiên chợ tàn bốc lên cái mùi của rác rưởi, của vỏ thị, vỏ bưởi ấy vậy mà lại là mùi riêng của đất, của quê hương, cái mùi mặn mà thân thương mà Liên cảm nhận được.
    “Em ở biển ngọn khơi truồng nổng cát
    Anh trên nguồn đá chẹn củ mì eo
    Cả đời cha cày bới lượm đói nghèo
    Vẫn khen đất mình chưa mưa đà thấm

    Biển dưới em con cá chuồn ngon lắm
    Trên nguồn anh trái mít phải lòng theo
    Lận đận một đời quảy gánh gieo neo,
    Nuôi con lớn mẹ lên nguồn xuống biển”
    Nỗi nhớ cứ chồng chất nỗi nhớ, tình quê cứ chồng chất tình quê. Những câu thơ gợi về không gian sống, cảnh sinh hoạt của một vùng quê trung du. Ở nơi ấy dẫu còn nghèo khó nhưng chính cái nghèo đó làm con người ta thương quê nhiều hơn. Ở nơi ấy có những sản vật quê mà hiếm nơi nào có được: là của mì eo, là trái mít quê. Nhỏ bé, giản dị, chân chất như những con người quê nơi đây. Ai còn nhớ không câu ca dao năm nào gợi về chút gì đó rất riêng của quê hương ta đó :
    “Ai ơn nhắn với bậu nguồn
    Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”
    Nhớ về những mảnh hồn rất riêng của quê nhà cũng là lúc chạnh lòng đứa con xa quê nhớ về bóng hình của những người thân thương. Đó là hình bóng cha già lam lũ, bươn chải cũng đất quê khô cằn, là hình ảnh mẹ già quẩy gánh tảo tần nuôi con khôn lớn. Nhớ về quê hương cũng là lúc ta bất giác nghĩ đến cha, đến mẹ, đến những con người không gì có thể thay thê được cũng như quê hương này không có gì có thể xóa nhoà được. Dẫu miền nam ngập tràn diễm lệ kia có là quê hương thứ hai của nhà thơ đi chăng nữa nhưng nó không và chắn chắn sẽ không bao giờ sánh bằng vùng quê trung du nghèo khổ nhưng thắm đượm ân tình này được.
    “ Đất dễ thấm dễ mềm lòng quyến luyến
    Người đi xa nhớ muối mặn gừng cay
    Đờn miếu bông ai chọn phím sao dây
    Để ta khóc theo chuyến tàu hối hả”
    Ai đã từng viết câu ca “ đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm” có hay chăng chính cái thấm ấy không chỉ thấm vào đất mà còn thấm cả vào lòng người. Dường như nỗi nhớ quê luôn thường trực trong tâm thức đứa con xa quê để rồi mỗi lúc bất giác nhớ về lại càng xót xa, càng lưu luyến hơn. Cái thứ tình cảm ấy tưởng chừng như những mạch nguồn trong trẻo cứ thế, cứ thế âm ỉ chảy, dai dẳng mãi không bao giờ nguôi. Tôi chợt nghĩ vì sao đứa con xa quê ấy lại khóc theo những chuyến tàu hối hả? Theo cảm nhận của riêng tôi phải chăng cứ mỗi lần nhìn chuyến tàu qua, đứa con xa xứ lại càng nhớ nhà, nhớ quê, và như một lẽ tự nhiên nhất nước mắt lại rơi để vơi đi bao nỗi nhớ, bao khát thèm đoàn tụ. Một chuyến tàu về bao gia đình đoàn tụ, một chuyến tàu về đem theo bao nụ cười, bao hạnh phúc và cả những giọt nước mắt, một chuyến tàu về quý giá, đáng trân trọng biết mấy đối với những đứa con xa quê. Và bất giác nó vang lên thành một tiếng gọi đau đáu:
    “ Về thôi em bận lòng chi xứ lạ
    Sông Thu ta dẫu bên lở bên bồi
    Dẫu mỗi năm mỗi nước lụt cuốn trôi
    Cây măng sậy vẫn bám bờ xanh mãi

    Chắc vườn xưa chừ ửng vàng hoa cải
    Cha mẹ trông ta- mòn Hòn Kẽm đá dừng”
    Đọc đến đây không hiểu vì sao những giọt nước mắt tôi lại rơi. Có lẽ bởi chính những câu thơ nó quá thực. Tôi tìm thấy được tất cả những gì mà quê hương tôi có. Nhà thơ không tô hồng cuộc sống nơi quê hương Quảng Nam mà ông dựng nó lên bằng một trái tim chân thật, bằng những gì có thể gọi là bình dị, là nghèo khó nhất của quê hương. Một tiếng gọi như càng làm thôi thúc hơn bước chân người trở về. Một tiếng gọi để nhắc ta không bao giờ quên con sông Thu “bên lở bên bồi”, không quên những mùa lũ về, những cơn lũ mà có thể nói là năm nào cũng có. Chợt tôi nhớ về một khoảng trời ấu thơ, những ngày lũ về, những người dân quê chúng tôi lại lênh đênh trên những chiếc bè chuối để tìm nơi cao nhất tránh lũ. Thương biết mấy những kĩ niệm ấy, thương biết mấy cái khắc nghiệt, cái gian lao của mảnh đất này. Và càng trân trọng hơn dẫu nghèo khó, dẫu bé nhỏ như những cây măng sậy kia thì người dân nơi đây vẫn bám đất, bám quê, gắn kết không thể tách rơi. Cảnh nghèo, cảnh lũ cũng không đủ đè bẹp tình quê, không đủ xóa bỏ chất keo kết dính với quê hương của những con người quê. Những câu thơ khép lại trong cái âm điệu nhẹ nhàng gợi về một điều gì đó cứ thôi thúc, cứ luyến lưu ta mãi. Vườn xưa ấy và cả cha mẹ già có hay chăng con đang ngóng về, đang nhớ trông từng tấc đất quê nhà, để hổ thẹn với lòng khi để cha mẹ ngóng trông một thời gian dài. Biết đâu khi bài thơ này khép lại sẽ mở ra hành trình cho biết bao con người xứ Quảng xa quê trở về quê nhà, và biết đâu thậm chí những người không xa quê như tôi lại càng thấy trân trọng và yêu thương quê hương mình nhiều hơn. Thương lắm đôi bờ bình yên.
    Những cơn mưa đầu hạ chợt đến rồi chợt đi. Khép lại trang giấy ngày nào tôi cẩn thận ghi từng chữ bài thơ: “ Về thôi em” của nhà thơ Dương Quang Anh. Trang giấy giờ đây đã cũ nhưng cái hay, cái đẹp sau từng câu ca mãi còn đây. Trang giấy nào kể hết một tấm tình quê..
    Một ngày mưa bình yên cho tâm hồn…………
    Nguyễn Thị Như Thảo, lớp 11 chuyên văn Quảng Nam

  13. Nguyễn Tấn Ái nói:

    Quê hương trong lòng người xứ Quảng

    Ai cũng có một nơi để nhớ, để thương. Ai cũng có một miền quê với bao kỉ niệm êm đềm thưở ấu thơ. Ai cũng có trong tim mình một hình bóng quê nhà mà mỗi khi đi xa ta đều thổn thức nỗi nhớ mong. Nỗi niềm của một người con xa quê khó ai có thể nói thành lời. Mỗi chúng ta bất cứ ai khi bắt gặp những lời tâm tình trong lời thơ của tác giả Dương Quang Anh đều xốn xang một nỗi niềm khi nghĩ đến quê hương.
    Quê hương- không hiểu bao giờ hai tiếng ấy đã trở nên thân thuộc đối với tôi từ thưở bé. Ngay từ những ngày chập chững đến trường tôi đã được cô giáo dạy hai tiếng “quê hương” nhưng tôi chưa bao giờ tự hỏi quê hương là gì? chỉ biết rằng ở nơi ấy có cánh cò bay rập rờn trên cánh đồng lúa chín, có tiếng trở mình của rặng tre đầu làng, có tiếng chèo thuyền của ai ngoài ven sông,…Nơi ấy là nơi tôi đã lớn lên từ lời ru ngọt ngào của mẹ mỗi khi đêm về, là giọng kể ấm áp của bà mỗi trưa hè oi ả, nơi ấy tôi có thể nhìn thấy bàn tay rám nắng của cha, dáng lưng còng của những người dân lam lũ nơi miền quê nghèo. Vì thế mà hai tiếng quê hương ngân lên trong tôi thật bình dị và gần gũi. Có lẽ cũng bắt nguồn từ những tình cảm chân thành tha thiết dành cho quê nên nhà thơ Dương Quang Anh mới viết nên những vần thơ giàu cảm xúc đến thế chăng?
    Bài thơ mở đầu bằng một lời hỏi nhẹ nhàng kèm với một lời thông báo:
    “Em ra không mai anh về đất Quảng
    Trời miền Nam giáp Tết quá nôn nao”
    Trong những ngày giáp tết, ở một nơi xa xôi, trong lòng con người ta thường trào dâng những cảm xúc bồi hồi, nôn nao khi nghĩ về quê hương. Chính cảm thức không gian, thời gian đó đã làm cho khổ thơ đầu nhuốm màu tâm trạng và dậy lên một nỗi khát thèm: “Thèm chi mô một chén rượu hồng đào”. Mỗi một người con xứ Quảng khi đọc được lời thơ này không ai không nhớ đến câu ca:
    “ Đất Quảng Nam chưa mưa đà thắm
    Rượu hồng đào chưa nhắm đã say”
    Có lẽ người ta say xứ Quảng bởi hương vị nồng nàn, mặn mà của nó như chính lòng người dân nơi đây. Nhớ đến quê hương tác giả không chỉ nhớ đến đặc sản rượu hồng đào mà còn nhớ đến những sản vật bình dị trong gian nan, nhọc nhằn:
    “ Em ở biển ngon khoai trườn nổng cát
    Anh trên nguồn đá chẹn củ mì eo”
    Đó đều là những hình ảnh rất thực về xứ Quảng gắn liền với cuộc sống mưu sinh của con người. Không náo nhiệt, sôi động như thành phố mang tên Bác, không phồn hoa, tráng lệ như đất Hà thành kinh kì, cũng không rạo rực một nhịp sống sôi động như thành phố trẻ Đà Nẵng, Quảng Nam- một vùng đất nghèo thuộc vùng duyên hải NamTrung Bộ níu giữ lòng người bởi tấm lòng đôn hậu, mặn mà của lòng người. Tuy cuộc đời lăn lộn trong sương gió nhưng người xứ Quảng chăm lao động, cần cù, lại chịu thương, chịu khó. Bởi vậy khi nhớ đến vùng quê máu thịt của mình tác giả lại nhớ về hình ảnh của người cha lam lũ:
    “ Cả đời cha cày bới lượm đói nghèo
    Vẫn khen đất mình chưa mưa đã thắm”
    Nhớ về hình ảnh của người mẹ tảo tần:
    “ Lận đận một đời quảy gánh gieo neo
    Nuôi con lớn mẹ lên nguồn xuống biển”
    Khổ cực là vậy nhưng trong lòng vẫn mang một niềm tự hào về quê cha đất mẹ, vẫn gắn bó tha thiết với quê hương. Dẫu khó khăn, vất vả nhưng họ luôn chia sẻ cho nhau những tình cảm chân thành bằng những sản vật mà tự tay mình làm ra:
    “ Biển trên em con cá chuồn ngon lắm
    Anh trên nguồn trái mít phải lòng theo”
    Hai câu thơ gợi nhớ một hình ảnh lao động, sinh hoạt. Nơi ấy là quê nhà của anh và em nặng nghĩa, nặng tình. Nơi ấy đang chờ đợi những người con xa xứ quay trở về quê nhà.
    Trong nỗi niềm tác giả, hình ảnh quê nhà cứ hiện về dồn dập trong lòng người xa xứ tạo nên những đợt sóng tình cảm dâng trào cuộn xoáy, bật thành một tiếng gọi giục giã: “Về thôi em bận lòng chi xứ lạ”.Dẫu “con sông kia vẫn bên lở bên bồi”, dẫu “mỗi năm mỗi nước lụt cuốn trôi”, dẫu quê hương ta còn muôn vàn khó khăn, vất vả nhưng tình quê vẫn mãi đậm đà, người Quảng Nam vẫn mãi bám đất, bám làng, thủy chung, son sắt cùng quê cha, đất tổ: “Cây măng sậy vẫn bám bờ xanh mãi”.
    Hơn thế điều tác giả xốn xang nhất, mong ngóng trở về quê nhất là sự chờ đợi của mẹ cha: “ cha mẹ trông ta mòn Hòn Kẽm Đá Dừng”. Nhà thơ đã vận dụng một cách sáng tạo câu ca dao: “ Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng – Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”. Có lẽ điều mà làm trăn trở nhất mỗi khi chúng ta xa quê không chỉ là tiếng gọi quê hương mà đó chính là dáng hình cha mẹ ở quê nhà. Hình ảnh cha mẹ ngóng trông con quay về quả thực đã có sức ám ảnh rất lớn đối với người đọc đăc biệt là những người con xa xứ.
    Tiếng lòng của một người con xa quê, tâm tình của một người con xứ Quảng đã được thể hiện một cách giàu cảm xúc qua những lời thơ đậm chất quảng trong lời thơ “Về thôi em.” Bất cứ ai khi xa quê đều chứa chan một nỗi niềm khó nói nên lời bởi quê hương là nơi chôn giấu bao kỉ niệm thưở ấu thơ cũng là bến đỗ bình yên nhất cho mỗi đời người.
    Chiều hôm nay những cơn mưa rào mùa hè lại về trên đất Quảng, lặng ngắm những giọt mưa rơi bên thềm bất chợt ngân lên trong tôi lời ca: Về đây thăm Quảng Nam trong lòng tôi nghe xốn xang, núi cao như tình mẹ sông dài dài tình cha trìu mến…..
    Trần Phương Anh- chuyên văn Nguyễn Bỉnh Khiêm Quảng Nam

  14. Đọc bài thơ Chú, con cảm thấy rất tự hào quê mình có một nhà thơ đặc biệt như thế. Thiên hạ có ba bồ chữ thì Chú chiếm nữa bồ rồi đó
    Chúc Chú sức khỏe và cố gắng viết nhiều bài nữa nhé..

  15. MINH LÂM nói:

    Gời chú lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!
    Đọc bài thơ của Chú, với những ngôn từ chất phát, mộc mạc, cháu càng thêm yêu quê và nhớ quê nhiều hơn.

Bình luận về bài viết này